Monday, November 7, 2011

HUẾ ĐẸP VÀ THƠ


    Tôi mượn cái tên trên đây của một cuốn phim màu mà mấy chục năm trước, một nhiếp ảnh gia nghệ thuật ở Huế, ông Richard, một người Việt Nam lai Pháp, đã quay một bộ phim về Huế, cố đô của Việt Nam.  Huế đẹp và thơ thật, đẹp về người và thơ về cảnh.  Cũng giống như Tuấn, chàng trai nước Việt của nhà văn Nguyễn Vỹ, học trò trong Quảng ra thi, tôi cũng đã bao lần chân đi không đành khi thấy một cô gái Huế.  Quả tim tôi đã rung động trước những thiếu nữ miền sông Hương núi Ngự.  Năm ấy tôi ra Huế học, thầy tôi đưa tôi đến trọ tại một nhà nấu cơm tháng cho học sinh ở vùng Gia Hội.  Tính tôi nhút nhát, ít khi xa nhà nên sợ sệt, bỡ ngỡ, nhưng sau đó tôi mất dần đi vẻ ngơ ngác lúc ban đầu.  Tôi đã theo học ở Huế, và làm việc tại đây trong nhiều năm cho đến ngày nhập ngũ.  Sống ở Huế một thời gian dài, đã từng mơ mộng trước dòng sông Hương êm đềm, hoặc ngồi hóng mát dưới cành thông reo núi Ngự, đã quen biết nhiều người Huế nên tôi coi Huế như một quê hương thứ hai.
    Tôi đã sống ở Huế cuộc sống của một học sinh trung học xa nhà, tài sản chỉ chiếc rương con bằng gỗ và một chiếc xe đạp mẹ mua cho từ ngày tôi ra Huế.  Tôi đã ở trọ rất nhiều nơi: từ vùng Gia Hội, xuống dưới Đông Ba, vào thành Nội, sang bên khu vực Pháp ở tả ngạn sông Hương, gần nhà thờ Pháp đường Bobillot lúc bấy giờ.  Sau đó, về ở mãi tận sân vận động thành phố - Xóm Mới - một khu vực bình dân, nổi tiếng có các động em út gái làng chơi, nhưng cũng đặc biệt có món cơm âm phủ rất ngon.  Tại đây tôi ở trọ nhà một thầy giáo hương sư, thầy Đàn, quê vùng Văn Xá.  Thầy vào Huế cất một ngôi nhà tranh nhỏ nuôi cơm tháng học sinh, để giúp hai con thầy ăn học, Lương và Đống bạn tôi, cặp song sinh giống nhau như hai giọt nước.  Và nếu có thể tìm cách gả chồng cho cô con gái út.  Đến khi ra đời làm việc tại tòa Khâm sứ Pháp Huế, là một công chức độc thân, tôi vẫn tiếp tục sống cuộc đời ở trọ.  Lúc ấy tôi ăn cơm tháng ở gia đình cụ Bát Quát trong dãy nhà "bồi" của tòa Khâm, dành cho maitre d'hôtel và các nhân viên phục dịch của vị Khâm sứ Pháp.  Sau đảo chính Nhật, rồi Việt Minh cướp chính quyền, tôi vào thành Nội, xin ở trong một căn phòng dùng làm kho của thư viện Bảo Đại, nơi tôi làm việc.  Khi Pháp trở lại, tản cư trở về thành phố, tôi đến ở nhà một người bạn đồng nghiệp cũ tại đường Trung Bộ bên Gia Hội một thời gian khá lâu, trước khi qua ở đường Phạm Hồng Thái (Verdun cũ), gần trường Việt Anh, thuộc khu vực Pháp.  Sau đó tôi bị động viên nhập ngũ.
    Tôi được cái may mắn là sống rày đây mai đó, lúc còn học sinh cũng như khi ra làm công chức, với chiếc rương, cái xe đạp và mấy chồng sách.  Với chừng ấy thứ, khi tôi ở nhà này, khi trọ nhà khác, hết khu vực bình dân, lính tráng, lại đến nhà công chức, vào gia đình quan lại giòng vua, qua các khung cảnh nhà quê cũng như phố phường đông đúc.  Tôi đã ăn cơm tháng nhiều nơi, sống với những tầng lớp xã hội khác nhau.  Được sự thương yêu của các bà cụ, bà mẹ, thấy mình là một học sinh nhỏ tuổi xa nhà, nên đem lòng mến thương, xem như con cháu trong gia đình.  Do đó, tôi đã thấy rõ, hiểu biết gần hết nếp sống của người dân Huế, và quen thuộc với tập quán, tính tình, tâm tư tình cảm của họ.  Những thứ ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn tôi lúc bấy giờ.
    Hơn nữa, nhờ sống lâu năm ở Huế, tôi đã trải qua hầu hết các chế độ, các biến cố lịch sử đã xảy ra tại cố đô.  Từ thời Pháp thuộc, sang Nhật chiếm đóng, chính phủ Trần Trọng Kim lên, kế đến Việt Minh cướp chính quyền, rồi Tây trở lại, việc thành lập chính phủ quốc gia mà mình là một viên chức đã chứng kiến bao sự thăng trầm.  Huế xưa kia là trung tâm của những cuộc bể dâu, bao biến chuyển lịch sử từ ngày vua Gia Long lập quốc.  Mấy mươi năm ở Huế, tôi đã phần nào là một nhân chứng mắt thấy tai nghe những đổi thay của xã hội vào những năm cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Tâm hồn tôi vì thế cũng hòa nhịp với nếp sống vui buồn của người dân thành phố.
                                                                        *****
    Ra Huế từ năm mười sáu tuổi, tôi đã lớn lên theo đà năm tháng cùng với những lớp thanh niên nam nữ của đất thần kinh.  Tôi đã già đi theo năm tháng mà không biết mình đã già theo năm tháng, cứ tưởng mình còn trẻ mãi.  Quả tim tôi vẫn bồi hồi rung động như những ngày còn đi học, gặp những nữ sinh cùng trang lứa, các em Đồng Khánh trong những chiếc áo dài màu xanh biển.  Lớp nữ sinh Đồng Khánh đàn chị trước đó, mặc áo dài đồng phục màu tím hoa sim.  Đến lúc tôi ra đời làm việc, lại xuất hiện những tà áo trắng bồ câu duyên dáng trinh nguyên.  Mỗi buổi chiều tan học, các cô đi bộ từ trường Đồng Khánh về nhà, phần lớn các cô đều ở tả ngạn sông Hương.  Khi đi trên chiếc cầu Tràng Tiền ba vày sáu nhịp - chiếc cầu xe hơi duy nhất thời ấy bắt ngang qua sông - tà áo các nữ sinh phất phới tung bay trong gió mát, trông quyến rũ làm sao.
    Thật ra Huế có rất nhiều người đẹp, nhưng những cô gái trẻ, xinh như mộng đều tập trung ở trường nữ trung học Đồng Khánh.  Trường nằm bên hữu ngạn sông Hương, xây từ thời Pháp, cùng với trường quốc học Khải Định dành cho nam sinh.  Hai trường nằm sát cạnh nhau trong những khu vườn trường rộng rải, thoáng mát, sâu hun hút, chứ không phơi bày ở một ngả tư đường xe cộ đông đúc như trường Gia Long Sài Gòn, hay lồ lộ như một trường Trưng Vương Bắc Việt di cư.  Chỉ nội hai chiếc cổng ra vào và bức thành vây xung quanh cũng đủ phân biệt hai trường: cổng Đồng Khánh kín đáo, e dè như tâm hồn cô gái Huế, cổng Khải Định rộng mở, cường tráng như những chàng thanh niên đang độ lớn.
    Ở một số trường khác, như Hồ Đắc Hàm, Việt Anh, Phú Xuân, Thuận Hóa, cũng có những nàng chim sa cá lặn.  Nhưng các nữ sinh ở đây quá ít, chỉ năm ba chị, nên chất nữ tan mất trong chất nam, ít ai để ý.  Đồng Khánh là nơi quy tụ các giai nhân đang tuổi vào đời, để rồi mai đây thi đậu, tản mác ra ngoài xã hội, làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ.  Lớp trước được thay thế bằng những lớp sau, trẻ đẹp hơn, đang độ nở hoa.  Nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng với mái tóc thề vừa chấm bờ vai, nõn nà trong tà áo trắng mịn, ở chiếc nón lá bài thơ đội nghiêng nghiêng khi mỉm cười e lệ hay liếc mắt đưa tình không biết.  Nhất là quai nón bằng nhung xanh hay bằng hàng mịn ôm vòng qua chiếc cổ thon nhỏ sao mà dễ thương.
    Ngoài các trường học, người đẹp ngoài đời ở Huế cũng rất nhiều, đa số là cựu nữ sinh, nay  đang hồi rực rỡ, chờ ngày lên xe hoa.  Vùng nào, khu vực nào, cũng có những hoa hậu một thời.  Những ngày tôi chưa nhập ngũ, nếu tôi không lầm, tôi được biết Bến Ngự có Trang, An Hòa, Kim Long có Phin, Hồng, Đông Ba có Nhạn, Gia Hội có Tâm, Hồng Trang, Quế Hương, phố Trần Hưng Đạo có Minh Cầm, và em gái ông chủ giây thép phụ, phố Gia Long có Mai, thành nội có Tường Vi, nữ sinh trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.  Về tả ngạn sông Hương, khu vực Cây Me có Trà Mi, Minh Đức, vùng Chợ Cống có mấy chị em Cung Huyền, Tiểu Huyền, con cụ Hồ Đắc B.  Đó là những cái tên rất quen thuộc mà hầu hết các thanh niên Huế vào thập niên 40-50 đều biết rõ.  Đặc biệt Kim Thuận ở Chợ Cống có lẽ là người đẹp nhất.  Kim Thuận đẹp không chê ở đâu được, từ làn môi, cặp mắt, dáng điệu, đôi bàn tay, đẹp đến mê hồn.  Các thiếu nữ khác nhiều người cũng rất đẹp, nhưng tôi không thuộc hết tên.  Phần đông các nàng con gái Huế đẹp người đẹp nết, nội trợ đảm đang, lớp sau lớn lên thay chân lớp trước.  Gái Huế dịu dàng, như có mặt nước sông Hương phản chiếu trong đôi mắt đa tình, ướt át long lanh, nhưng cũng rất kín cổng cao tường.  Khách si tình nhiều khi phải tiếc ngẩn ngơ khi một người đẹp bước lên xe hoa về nhà chồng.
    Đến Huế, từ ga xe lửa đi thẳng xuống, dọc theo đường Jules Ferry cũ, qua khỏi tư dinh của viên Đốc Lý Pháp, sâu về phía tay phải, là hai trường Khải Định và Đồng Khánh.  Tiếp theo là Thủ Thừa, Phủ Doản, bệnh viện Huế, đến khách sạn Pháp Morin Frères, xây mặt ra phía cầu Tràng Tiền nối liền hai bờ tả hữu sông Hương.  Rồi đến tòa Khâm sứ Huế, chiếm một vùng rộng lớn uy nghi, mở ra phía trước bờ sông.  Bên kia sông là chợ Đông Ba và khu thị tứ người Việt.  Nhìn xa hơn nữa là thành quách của chính phủ Nam Triều với kỳ đài đồ sộ, lá quốc kỳ của triều đình Huế màu vàng có sọc đỏ bay phất phới trên ngọn cột cờ cao.  Từ tòa Khâm Sứ đi xuống nữa, dọc theo bờ sông Hương, về hướng Đập Đá, thôn Vĩ Dạ, làng Nam Phổ, là những vùng ngoại ô xinh đẹp và nổi tiếng của thành phố Huế, nơi có nhiều gia đình quan lại về hưu, có những vườn cau thẳng tắp, hàng rào tre, khóm trúc vây quanh.    
    Đặc biệt Huế là thành phố của hoa phượng.  Xung quanh các trường Đồng Khánh và Khải Định, và dọc theo bờ sông Hương, bên hữu ngạn, thời ấy gọi là phường Tây, là những hàng phượng vĩ lá xanh mướt, hoa đầy.  Mỗi năm, sắp đến mùa tan trường, phượng nở hoa đỏ rực trời.  Bên tả ngạn, khu vực người Việt buôn bán, trong thành nội, đâu đâu cũng cả rừng phượng vĩ nở hoa.  Mùa hoa phượng là mùa của học sinh chia tay, mùa ly biệt.  Trong tiếng ve sầu chát chúa, cất lên từng hồi đều đặn, hết đợt này đến đợt khác, trên các cành hoa phượng để rồi thân xác rơi xuống nằm chết dưới gốc cây, những bản nhạc ve cứ liên tục hòa tấu cho mãi đến khuya.  Hoa phượng đỏ và tiếng hát của ve sầu báo trước mùa hè đã đến.  Học sinh chia tay nhau trong lòng đầy lưu luyến.  Họ viết cho nhau những dòng lưu niệm tình tứ thân thương của lứa tuổi vào đời giữa học sinh cùng lớp trước buổi chia tay.  Cũng có thể có những mối tình thơ mộng mà sự chia tay không hẹn ngày gặp lại: "Hết mùa tới rạ rơm khô, bạn về quê bạn biết mô mà tìm."
    Từ cầu Tràng Tiền xuôi về hướng nam, qua hết khu vực Pháp là Ty cảnh sát Thừa Thiên, con đường thẳng tắp băng qua một cánh đồng mênh mông bát ngát.  Đó là cánh đồng An Cựu với những ruộng lúa chín vàng về mùa hạ, gạo An Cựu thơm ngon có tiếng ở miền Trung.  Đến xã An Cựu Tây, một xã ngoại thành, thay vì đi theo quốc lộ 1 để về Nam, du khách rẻ về phía tay phải, đi khoảng chừng vài cây số nữa, băng ngang đường xe lửa xuyên Việt là đến chân núi Ngự Bình.  Đó là một quả núi thấp án ngữ như một chiếc bình phong lớn che trước hoàng cung.  Ngự Bình với hàng thông cao reo trong gió, là nơi mà ngày nào cũng có biết bao nhiêu du khách thừa lương leo hóng mát.  Những cặp trai gái yêu nhau, những đôi bạn trẻ, đưa nhau lên núi Ngự, đi bộ hoặc đèo nhau bằng xe đạp, hoặc song song mỗi người mỗi chiếc.  Họ ngồi dưới bóng thông tình tự, hoặc ngã lưng trên những thảm lá thông khô cho đỡ mệt vì vừa leo núi trong cái im lắng buổi trưa hè.  Chiều mát, họ mới cùng nhau xuống núi, ghé quán bánh bèo mụ Sỏi ngon có tiếng, ăn mấy chén bánh bèo nhỏ cho đỡ đói trước khi về nhà.  Chén bánh bèo trắng, rải nhụy tôm hồng, chấm với nước mắm ớt xanh, vừa ngọt, vừa cay, vừa xuýt xoa ngon miệng.  Tuổi học trò, tuy tiền nhà ít gửi, mỗi lần đi chơi núi Ngự với bạn, tôi cũng phải ăn đến mười chén bánh bèo, mỗi chén một xu mới đã dạ.
    Trai gái hẹn hò nhau còn thiếu gì nơi.  Những chiếc ghế đá đặt theo dọc vườn hoa ở hai bên bờ sông Hương đã ghi lại kỷ niệm bao cuộc tình duyên ngắn ngủi, đôi trai gái lén nhà ra đây tình tự những đêm trăng.  Ngồi tại đài Phú Văn Lâu trò chuyện, thỉnh thoảng có các cô hàng chè thịt quay, hoặc các thứ chè khác, ngọn đèn dầu leo lét, gánh qua lại chào mời.  Hoặc lắng tai nghe tiếng rao hàng của các cô bán hàng chè cháo trên sông Hương.  Những chiếc thuyền nan nhỏ, lướt trên mặt sông, mời du khách đang ngủ đò với những tiếng rao quà cao vút, thanh trong.  Ngủ đò là mộtsự thích thú vào bậc nhất của du khách khi đến viếng đất thần kinh.  Gió trên mặt sông mát rợi, thuyền khách thả neo đậu giữa giòng sông, bồng bềnh trong đêm thanh vắng.  Không phải ai cũng là khách tìm hoa, nhưng nghe giọng rao quà trên sông của các cô bán hàng người Huế: "Chè đậu xanh, bo bo, bánh bèo, bún bò, bột lọc..." du khách vẫn thấy thèm ăn một món Huế nào đó, mặn có, ngọt có, tùy ý khách, cũng như thanh hay tục tùy theo lòng người.
    Thượng nguồn sông Hương, đứng ở cầu Tràng Tiền nhìn lên là chiếc cầu Bạch Hổ, chạy ngang qua các xã Kim Long, An Hòa, Vân Xá để ra miền Bắc.  Đó là chiếc cầu sắt xe lửa, mỗi ngày mấy chuyến tàu qua lại xình xịch.  Khi sắp vào ga Huế tàu lại hú lên những hồi còi lanh lãnh, nhả khói ra trắng xóa, báo trước để hành khách chuẩn bị xuống tàu.  Ở ga này, mỗi năm tôi hai lần lên xuống, trong những dịp nghỉ hè và Tết, về quê thăm cha mẹ, vui làm sao, lòng như mở hội.  Nhưng đến lúc trở ra Huế lại, lòng buồn lo lắng cho năm học mới, đầy khó khăn.
    Càng nhìn lên nửa về phía thượng nguồn là xã Nguyệt Biều, con gái vùng này cũng đẹp có tiếng, rồi đến điện Hòn Chén.  Đối diện, phía tả ngạn sông Hương, là chùa Thiên Mụ, một di tích lịch sử, được mô tả trong câu thơ: "Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương".
    Cũng dọc theo tả ngạn con sông, từ cầu Tràng Tiền nhìn về phía hạ lưu, trước hết là sân banh của hội thể thao S.E.P.S.H.  Tiếp đến là chợ Đông Ba, có các hàng cá, thịt, mắm, rau quả, hàng vải, với một mùi hôi "chợ" đặc biệt, sàn chợ lầy nhớp, bùn tanh, chợ đông suốt ngày.  Ở các gian hàng vải lụa có những cô bán hàng mặn mòi, có vốn liếng, đang kiếm chồng.  Có thể là một anh phán tòa sứ trẻ tuổi, hoặc một thầy thông, thầy ký nào của bảo hộ, hay một anh thừa phái của Nam triều.  Nếu ai đó được lọt vào mắt xanh các cô, bảo đảm có một cuộc sống vật chất chắc chắn, bù vào số lương công chức ba cọc ba đồng.
    Đi xuống nữa là Cồn Hến thuộc khu Gia Hội, một cái cồn đất nhỏ nổi lên gần bờ sông, nơi sản xuất, những con hến ngon, với những gánh cơm hến Huế, chuyên bán cơm hến vào ăn sáng, bát hến Huế ngon cay xé họng, trộn với cơm nguội, thật là mặn mòi, đầy hương vị.  Sống ở Huế, không ai không thưởng thức món cơm hến, một món ăn bình dân, vừa rẻ tiền vừa no bụng.
    Từ vùng Gia Hội đi xuống nữa là miệt Ao Hồ, Bãi Dâu, đường xá gồ ghề, lâu ngày không được sửa chữa, nỗi đau khổ cho chiếc xe đạp của anh học trò nghèo.  Đi một quãng nữa là bến đò Chợ Dinh, đông người qua lại, nối liền hai bờ sông Hương.  Bên kia, phía hữu ngạn là làng Nam Phổ, có nhiều người con gái quê khỏe mạnh, mặn mòi, làn môi ăn trầu cắn chỉ, "cây cau Nam Phổ, lá trầu Chợ Dinh", đã xe duyên chồng vợ.
    Trở lại vùng Gia Hội, đi theo con đường Trung Bộ có bóng cây râm mát là đến đường Ngự Viên, bước lên chiếc cầu Đông Ba cao làm bằng gỗ, để rẻ vào thành nội qua cửa Đông Ba.  Cũng giống như hai cầu Tràng Tiền và Bạch Hổ nối liền hai bờ sông Hương, hai chiếc cầu Đông Ba và Gia Hội được bắt từ bờ này sang bờ bên kia của con sông đào Gia Hội.  Đông Ba, Gia Hội hai cầu, là nơi mà học sinh chúng tôi, nếu ở trọ quanh đấy, thường những đêm hè nóng rực, đem nhau lên cầu trò chuyện.  Nhất là cầu Đông Ba ít xe, thưa người qua lại đã chứng kiến hơn một cuộc tình duyên đầu đời.  Khi có người đến, thì nàng vội vã chia tay.  Và bước chân nàng thoăn thoắt qua mau, "thôi em đi trước, kẻo về mẹ la".
    Trên cầu nhìn xuống dưới bến, bao nhiêu chiếc thuyền gỗ đậu sát hai bên bờ kênh.  Cả một gia đình sống chui rúc trong một chiếc thuyền, xuôi ngược giòng sông, chở hàng đi bán, hoặc đón khách ban đêm đưa ra giữa giòng sông hóng mát.
    Song song hai bên bờ kênh Đông Ba là những ngôi nhà cổ kính, một bên là phố hàng Đường với ngôi chùa Diệu Đế ngân nga tiếng chuông chiều, và những ngôi nhà quan lại xưa, rải rác trong vùng Ngự viên, Gia Hội.  Đến dốc cầu Đông Ba, trước khi bước lên cầu là những cửa hàng bánh khoái, với những chiếc bánh khoái dòn, thơm ngon, con tôm chín đỏ tươi, miếng thịt gà như nằm nũng nịu, chiếc nấm rơm như khép nép đợi chờ.  Lấy mấy ngón tay cầm chiếc bánh nóng dòn, chấm vào chén nước tương quánh đậm đặc, đưa lên miệng, và với rau sống đặc biệt có và khế, chuối chát xắt lát, cắn trái ớt đỏ tươi, tôi chưa biết chỗ nào đúc bánh khoái ngon như ở đây.  Gia đình muốn học hỏi kỷ thuật, tự làm bánh khoái cho đỡ tốn, nhưng đã bắt chước một cách vụng về.
    Bên kia kênh Đông Ba là phố Hàng Bè, một khu vực buôn bán nhỏ của người Tàu và người Việt Nam.  Tại đấy, ngày còn đi học tôi thường đến tiệm tạp hóa của chú La Ngu, nơi có bán các loại vỡ rất đẹp, tôi thường mua đem về quê cho các em.  Rồi đến những gian hàng bánh mứt, mè xửng Huế rất ngon, của bà Từ Đờn, bà Thị Hai.  Bà này có những cô cháu gái xinh đẹp, duyên dáng, sau này có chồng lập nghiệp ở phương xa.  Bà Thị Hai có lẻ nổi tiếng nhất Huế về món bánh ngọt, đặc biệt có các thứ bánh phu thê mặn ngọt, bánh lá chả tôm, bánh in, bánh hột sen.  Bà Thị góa chồng, không con, nuôi một bầy cháu gái, cháu ruột có, cháu họ có, được bà truyền nghề cho, nên người nào cũng nấu ăn ngon và bánh trái khéo.
    Nói cho đúng, thức ăn Huế ngon vô cùng.  Ngon vì con heo được nuôi kỹ bằng cám, loại heo nhỏ, không phải thứ heo lớn như heo miền Nam, con tôm, con cá ngọt ngào, săn thịt. Thậm chí món rau sống Huế cũng được trình bày đặc biệt.  Màu xanh của rau húng rau thơm, xen với những lát khế ngọt, chín vàng, những lát vả trắng dòn, đặc biệt mấy lát thơm ăn vào ngọt lịm mát tận cổ.  Rau này ăn với thịt heo ba chỉ luộc và các thứ mắm Huế là tuyệt diệu.  Hơn nữa, ngon vì bàn tay cô gái Huế dịu dàng thon nhỏ, ai muốn có người vợ nấu ăn ngon, trường hợp khác chỉ là ngoại lệ.  Vì là đất thần kinh, nơi vua chúa, nên các thức ăn đều ngon, phải quý mới hiến dâng vua, nên cũng đặt tên kèm theo chữ "ngự": trái chuối ngự, chén chè đậu ngự, v.v..
    Song song với phố Hàng Bè, cách một dãy phố, và nằm về bên trong là đường Gia Long, thường gọi là Ngả Giữa, nổi tiếng có hàng cháo lòng, bát cháo lòng nóng hổi, thơm phức, kèm  với đĩa nồi trường dòn tan, ngọt, ăn cùng với những lát dưa leo thái mỏng, rất ngon.  Đi bộ lên một quảng nữa là hàng chè đủ thứ, chè ướp lạnh, vừa ăn cháo lòng xong xong, trán miệng một ly chè sen đá là tuyệt vô cùng.
    Đi hết ngả giữa, quẹo trái là cầu Gia Hội, còn quẹo tay phải là dãy phố Trần Hưng Đạo, nơi buôn bán lớn, khu downtown của thành phố, có những cửa hàng quần áo, giày dép, xe đạp, mỹ phẩm sang trọng.  Rạp ciné Tân Tân mà học sinh chúng tôi thường hay đến xem vì rẻ tiền, và thuộc lòng tên của các tài tử chiếu bóng gạo cội thời ấy như Clark Gable, Marlène Dietrich, Tyrone Power, Ava Gardner, Carole Lombard, v.v...
    Cứ đi thẳng lên nữa theo đường Trần Hưng Đạo là tư dinh của thượng thư bộ lại Phạm Quỳnh, một ngôi nhà cổ kính, có tàng cây râm mát.  Đi một quảng nữa, rẻ về phía tay phải là đường vào cửa Thượng Tứ, cổng chính để vào thành nội.  Hai bên đường này là hai hiệu ảnh lớn của Huế, hiệu Tôn Thất Dung, chụp rất đẹp, và hiệu Tâng Vĩnh đối diện, có mấy cô con gái đang tuổi lấy chồng, rất ăn diện, áo dài lơ-muya phất phơ như cánh bướm ra vào.
    Trong thành nội, là tam cung lục viện, các bộ của triều đình, rồi đến các dãy nhà viên chức của Nam triều.  Nha Hộ Thành sầm uất bóng cây với các chú lính khố vàng, các ngã tư Anh Danh, ngã tư Âm Hồn, những điạ danh nói lên ý nghĩa khác nhau trong lịch sử, khu Cầu Đất v.v..., với những vườn nhãn lồng ngọt ngào, mọng nước, những chùm nhãn trông kín đáo, e ấp xuân tình như người con gái Huế.
                                                                        ***
    Vậy đó, tôi lớn lên giữa lòng thành phố Huế, quen thuộc với nếp sống của người dân Huế, với nét thanh tao của người con gái Huế, mắt ướt long lanh, đa tình tuyệt diệu.  Nhiều cô cũng có những cuộc đời chìm nổi, nhưng biết bao nhiêu người đã thành công trong cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi, những mệnh phụ phu nhân.  Huế là một thành phố nhỏ, thành phố công chức, mà mọi việc xảy ra cả làng đều biết: "Toute la ville en parle".  Do đó cũng ít có những điều gì tai tiếng, hay những cảnh yêu cuồng sống vội như ở các thành phố khác.
    Tuy không quen nhau, nhưng sống ở đây, mọi người đều biết đến cuộc đời của người khác, cũng như người khác đã rỏ tất cả về cuộc sống của mình.  Với cuộc sống một công chức độc thân, làm việc tài tòa Khâm sứ Pháp, được các bạn đồng nghiệp tặng cho hai chữ "jeune premier", tôi quên mất rằng mình là chàng trai xứ Quảng.  Theo giòng người xuôi ngược trên các con đường Hưng Đạo, Gia Long, mỗi sáng chủ nhật đi dạo phố, được cô gái Huế liếc mắt đưa tình.  Trong bộ complet cắt khéo, mùa xuân mưa phùn lất phất, khoác chiếc măng to raglan, đi chơi dưới trời mưa bụi, tôi cảm thấy rất yêu đời.  Nếu muốn, mình có thể đi hỏi một cô làm vợ, vì mình là đối tượng làm rể mà các bà mẹ có con gái sắp lên xe hoa đang để ý.
                                                                ***
    Bỗng khói lửa nổi lên, mịt mù khói lửa.  Chế độ đỗi thay.  Lửa rực cháy khắp thành phố vì Việt Minh tấn công vào các cơ sở của Pháp đến thay thế quân đội Trung quốc để giải giới quân đội Nhật thua trận.  Tôi phải di tản ra xã Triều Sơn Tây ở phía bắc thành phố Huế cùng với kho tàng thư viện.  Rồi chạy nữa, chạy nữa, xa hơn nữa về miền quê để tránh Pháp.  Đình Phú Lương thuộc quận Phong Điền ở miền cực bắc Thừa Thiên.  Suýt nữa phải bị kéo ra Vĩnh với Ủy ban Kháng Chiến của Cộng sản.  Khi trở về thành phố, mọi việc đã đổi thay.  Pháp đã trở lại, rất cần văn khố, thư viện.  Nhưng thư viện đâu còn nữa.  Khu đình Hiền Lương, nơi văn khố và thư viện được di chuyển về đó mấy tháng trước, nay đã đổ nát tan tành.  Tất cả sách báo, hồ sơ lưu trữ đã bị gió mưa, đạn lửa làm tiêu rụi hết.  Thêm vào đó, dân chúng địa phương rút các bao bố đựng sách về để dùng, giờ chỉ còn một núi giấy sũng ướt vì mưa gió.  Bao nhiêu hồ sơ có tính cách lịch sử, bao nhiêu sách quý về văn chương, khoa học, đều trở thành bùn nát, mà lòng tôi cũng tan nát như tương.  Những quyển sách mà mới đây tôi còn săn sóc, nâng niu như những đứa con tinh thần, giờ này chỉ còn là những đống giấy vụn để người ta chở về bán ve chai, hoặc các hiệu giày đo ni đóng giày cho khách.
                                                                    ***
    Trở lại với cuộc đời công chức tại Tòa Ủy Viên Cộng Hòa Pháp ở Huế trong một thời gian mấy năm cho đến ngày tôi bị động viên nhập ngũ khóa 3 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Cuộc sống trong quân đội chỉ có hơn hai năm ở Huế, một tiểu đoàn pháo binh, sau đó được đổi về miền Nam làm việc, tôi ít có dịp trở lại cố đô.  Thế nhưng, những hình ảnh Huế, và những kỷ niệm về Huế vẫn in sâu đậm vào tâm hồn tôi.  Hình ảnh những người con gái Huế với giọng nói thanh tao, bàn tay duyên dáng, đôi mắt ướt đa tình không làm sao tôi quên được.  Làm sao quên được những buổi chiều tan sở, đạp xe qua cầu Tràng Tiền để về phía bên kia Gia Hội, nhìn các bóng hồng áo dài bay một cách quyến rũ như một niềm vui hứa hẹn vợ chồng.  Hoặc những ngày mùa đông mưa dầm gió lạnh, mưa giăng mắc trên sông Hương mịt mù ảm đạm.  Mưa cứ rơi rơi, mưa luồn qua kẻ lá những cành vông đồng cao, thấm ướt các tàng lá cây rậm rạp trong vườn tòa Khâm sứ Huế.  Mỗi buổi sáng tôi đi làm việc, gió thổi từ bờ sông đưa lên lạnh thấm xương.  Mưa Huế thường hàng tuần, có khi hàng tháng.  Mỗi khi phải qua cầu đầy mưa gió, nhìn thấy các cô gái Huế trong những chiếc áo tơi đọt làm bằng lá kè, về sau này là những chiếc áo mưa bằng nilông xanh, vàng, đỏ, trong suốt quyện cả thân hình, các nàng mới đẹp làm sao, gây nhiều mơ ước cho những chàng trai chưa vợ.  Những năm trời làm mưa lụt, vùng Đông Ba, Gia Hội ngập cả đường đi, tôi đi học về không dám xăn ống quần, cứ để thế mà lội, có mặc cảm đôi chân mình đen điu xấu xí.  Mưa trên thành phố, mưa cả trong hoàng thành, chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ.  Sau này xa Huế, mỗi lần nghe giọng nữ ca sĩ Hoàng Oanh hát bài Tiếng Sông Hương có câu: "...trời làm mưa lụt miền Trung", lòng tôi lại lặng buồn giây lát, nhớ những mối tình đã qua trong cuộc đời học sinh và công chức lúc ở Huế.  Ngày còn đi học, lòng thương ai nhưng không dám nói nên lời, những "bức thư tình viết không gửi xếp nằm trong sách cũ".  Giờ đây Huế vẫn làm tôi thương nhớ, những năm còn ở quê nhà.  Dù tiếng hát Hoàng Oanh đã vắng bóng ở khung trời Việt Nam, nhưng nghe giọng ca của hai chị em Nhã Phương và Bảo Yến, tuy không trữ tình bằng Hoàng Oanh, nhưng bài "Huế của tôi", cũng có thể làm cho lòng tôi thổn thức nhớ về cố đô ngày trước khi tôi là một học trò trong Quảng ra thi. 
Đức Nguyên
Chiều ngả nón chào nhau trên đỉnh Ngự
Đêm Hương Giang hò hẹn khúc Huyền Trân
Khách hồ hải bỗng gặp hồn thương nữ
Điệu đàn xưa rung động ánh trăng ngân
(Nguyễn Huyền Không)

No comments: